Vụ việc một cơ sở sản xuất giấm gạo bằng cách pha trực tiếp axit axetic vào nước lã theo công thức 1 lit axit axetic và 100 lit nước lã đang gây phẫn nộ trong cộng đồng.
Theo một thạc sĩ chuyên ngành hóa học nhiều năm kinh nghiệm, phân loại giấm có: thành phần giấm cất (chưng) và giấm pha chế.
Giấm cất (cũng gọi là giấm gạo) lấy lương thực, đường làm nguyên liệu chính, thông qua việc ủ vi sinh vật lên men. Thành phần dinh dưỡng của nó có axit axetic, đường, axit hữu cơ, vitamin, muối vô cơ… rất tốt cho việc trao đổi chất cơ thể.
Giấm pha chế (giấm hóa học) thì lấy axit axetic tinh làm nguyên liệu chính, thêm nước pha loãng mà thành, không có thành phần dinh dưỡng khác. Nếu sử dụng axit axetic công nghiệp để làm giấm dùng pha chế để ăn đối với cơ thể là có hại.
Theo bác sĩ Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chi cục trưởng Chi cục An toàn Vệ sinh Thực phẩm (ATVSTP) TP.HCM, giấm là một chất lỏng có vị chua, được hình thành từ sự lên men (giấm gạo được làm từ rượu gạo hay rượu nếp), thành phần chính tạo thành là axit axetic và nước.
“Axit acetic tự nhiên đã được khoa học chứng minh rất tốt, có nhiều lợi ích cho sức khỏe. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có axit axetic được sản xuất công nghiệp, không được xử dụng trong thực phẩm. Nếu sản xuất giấm từ việc pha chế nước với axit axetic công nghiệp thì sẽ gây hại cho sức khỏe người dùng”, bác sĩ Mai nói.
Theo vị chuyên gia hóa học: “Nếu giấm được lên men tự nhiên thì còn có nhiều chất bổ dưỡng khác. Axit axetic chỉ chiếm tỉ lệ % nhỏ trong giấm (từ 3 đến 5%), làm nên vị chua của giấm”.
“Trong trường hợp dùng axit axetic làm giấm giả, điều mà ta quan tâm là axit axetic được tổng hợp công nghiệp, không biết có được tinh chế không, tỉ lệ sản phẩm phụ khác như thế nào? Ngoài thành phần chính là axit axetic còn có thể có các sản phẩm phụ khác đi kèm, các chất này có độc không, cần phải lấy mẫu phân tích để xác định trong axit axetic được dùng để pha giấm này có chứa chất độc hại cho cơ thể không?”, vị chuyên gia hóa học này phân tích.
“Trong trường hợp axit axetic này nguyên chất hoặc không chứa chất độc hại thì việc dùng axit axetic để pha vơi nước lã chỉ làm dung dịch này có vị chua chứ không có các chất bổ – dưỡng cho cơ thể như dấm lên men tự nhiên”, chuyên gia này nói thêm.
Chuyên gia này cũng phân tích, nếu tỉ lệ % axit axetic trong giấm là từ 3 đến 5% thì không ảnh hưởng đến sức khỏe. Tuy nhiên, nếu dùng quá nhiều axit axetic sẽ gây đến chết người. Người nặng 50 kg ăn 176,5 gram axit axtic, nguy cơ tử vong là 50% (nếu thực hiện nghiên cứu trên 100 người cân nặng 50 kg cùng ăn 176,5 gram axit axetic, 50 người có thể tử vong, 50 người có thể qua khỏi).
Bác sĩ Mai cho biết thêm, tùy nồng độ axit axetic công nghiệp được pha mà giấm làm từ axit axetic công nghiệp có thể gây hại trên dạ dày, khiến dạ dày bị “bào mòn”. Ngoài ra, giấm pha axit axetic công nghiệp có thể giết chết các men tiêu hóa, làm cho độ pH cơ thể giảm,….
Như vậy thì đã rõ, nếu dùng axit pha chế làm giấm giả vừa không có chất bổ cho cơ thể mà người sử dụng còn có nguy cơ dẫn đến tử vong cao nếu người pha chế sơ suất hoặc không hiểu biết về kiến thức hóa học.
Theo diễn đàn chuyên sâu công nghệ thực phẩm Foodnk, giấm là một chất lỏng có tính axit sản xuất từ sự lên men của ethanol, giấm được làm từ sự lên men của các chất có chứa tinh bột và đường, ethanol là kết quả đầu tiên của quá trình lên men đường sau đó bị oxi hóa thành axit axetic bởi vi khuẩn axit axetic.
Thành phần dinh dưỡng của giấm phong phú, có 18 loại axit amin mà cơ thể người không tổng hợp được, 8 loại axit amin thực vật tổng hợp. Hàm lượng axit hữu cơ trong giấm khá nhiều, giá trị thức ăn của giấm gạo càng cao.
Trong giấm có vitamin B1, B2, C, muối vô cơ, nguyên tố vi lượng Ca, Fe, Cu, P… giúp quá trình sinh lý chống già yếu và quá trình sinh trưởng ở tuổi dậy thì hoặc là thành phần không thể thiếu trong việc trao đổi chất.
Giấm có chức năng đẩy lùi và trừ bệnh tật, điều tiết độ kiềm, axit dịch thể, duy trì tương đối ổn định của môi trường trong cơ thể, phòng già yếu, diệt khuẩn kháng độc, phòng trị cao huyết áp và sơ cứng động mạch, kháng ung thư, làm đẹp da, tốt cho dạ dày, giảm đau nhức…
Tuy nhiên, nếu sản xuất giấm giả, giấm sẽ không có các chức năng trên.
Về tác dụng của giấm gạo (lên men tự nhiên), theo WebMD, các nghiên cứu khoa học đã chứng minh mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe. Axit axetic trong giấm gạo rất tốt cho hệ tiêu hóa. Đây là loại axit giúp cơ thể hấp thụ chất dinh dưỡng (như canxi, kali và vitamin,…) từ thực phẩm.
Giấm gạo cũng có khả năng sát trùng.
Một nghiên cứu được công bố năm 2011 (“Journal of Clinical Biochemistry and Nutrition”), cho rằng giấm gạo có khả năng ngăn chặn sự tấn công của các khối u gan. Giấm gạo được cho rằng có khả năng chống ung thư nhờ có đặc tính chống hình thành khối u.
Ngoài ra, giấm gạo có chứa các axit amin thiết yếu, giúp chống lại các tác hại của các gốc tự do, tăng cường hệ miễn dịch. Giấm gạo cũng giúp kiểm soát nồng độ cholesterol, làm chậm cholesterol tích tụ trên thành mạch máu. Nhờ vậy, tốt cho tim mạch.
|
Nguồn: thanhnien.vn